Vai trò của giấc ngủ đối với chiều cao của trẻ

23/02/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Ngoài gen di truyền, yếu tố dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt thì giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng tới sự phát triển chiều cao của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho cha mẹ những thông tin và mẹo hữu ích về giấc ngủ của trẻ, giúp thúc đẩy và phát triển chiều cao tối ưu.

Chiều cao của trẻ luôn là mối bận tâm của nhiều cha mẹ bởi đây là sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố và đa số, đều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Chiều cao là kết quả chủ yếu của yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng, môi trường sống và lối sống sinh hoạt, trong đó, giấc ngủ có vai trò thiết yếu, ảnh hưởng tới 40% sự phát triển chiều cao. Theo đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng ngủ nhiều hơn ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên có liên quan đến việc phát triển chiều cao của trẻ. Vậy, giấc ngủ đã tác động như thế nào đến chiều cao của trẻ? Và cha mẹ có thể làm cách nào để trẻ có thể phát triển chiều cao một cách tối ưu nhất?

Vai trò của giấc ngủ đối với sự phát triển chiều cao của trẻ.

Hormone tăng trưởng (Growth Hormone – GH) được sản xuất bởi tuyến yên và đóng vai trò chính trong việc phát triển chiều cao của con người. Đặc biệt, phần lớn lượng hormone GH sẽ được giải phóng vào ban đêm, khi não bộ được giải tỏa hết những căng thẳng, chính là thời điểm ngay sau khi bắt đầu giấc ngủ sâu. Do đó, những trẻ có rối loạn về giấc ngủ sẽ có nồng độ GH thấp hơn đáng kể, dẫn tới những nguy cơ trong quá trình phát triển thể chất. Cụ thể, một nghiên cứu dọc đánh giá mối liên hệ giữa chiều dài cơ thể với thời gian ngủ được thực hiện trên 899 trẻ em tại châu Á tại các thời điểm 3,6,9,12,18 và 24 tháng tuổi đã cho ra kết quả rằng những trẻ có thời gian ngủ ngắn( <12 tiếng mỗi ngày) có chiều dài cơ thể ngắn hơn.

Ngoài ra, ở trẻ thiếu ngủ sẽ xuất hiện những thay đổi về mức độ lưu thông các hormone kiểm soát cơn đói và cảm giác thèm ăn, dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì – một yếu tố nguy cơ của dậy thì sớm, nguyên nhân chủ yếu khiến chiều cao của trẻ thấp hơn so với các bạn đồng chăng lứa. Không những vậy, một giấc ngủ chất lượng với tư thế ngủ thả lỏng giúp loại bỏ tất cả lực hoặc sức ép tác động lên các xương và sụn khớp, tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển chiều cao của trẻ.

Thời lượng giấc ngủ theo từng độ tuổi ở trẻ.

Trên thực tế, trẻ cần ngủ nhiều hơn so với những gì chúng ta thường nhận định. Và tổng thời lượng giấc ngủ trong một ngày của trẻ sẽ thay đổi theo từng độ tuổi. Dưới đây là Khuyến cáo của Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ về thời gian ngủ trung bình trong một ngày từ giai đoạn trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên:

  • Trẻ từ 4 đến 12 tháng tuổi: nên ngủ thường xuyên từ 12 đến 16 tiếng/ ngày.
  • Trẻ từ 1 đến 2 tuổi: nên ngủ thường xuyên từ 11 đến 14 tiếng/ ngày.
  • Trẻ từ 3 đến 5 tuổi: nên ngủ thường xuyên từ 10 đến 13 tiếng/ ngày.
  • Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: nên ngủ thường xuyên từ 9 đến 12 tiếng/ ngày.
  • Trẻ từ 13 đến 18 tuổi: nên ngủ thường xuyên từ 8 đến 10 tiếng/ ngày.

Những thói quen tốt về giấc ngủ giúp thúc đẩy quá trình phát triển chiều cao tối ưu ở trẻ.

Khó ngủ, trằn trọc hay ngủ không đủ, không sâu giấc phần lớn đều bắt nguồn từ những thói quen chưa tốt của trẻ khi đi ngủ. Do đó, xây dựng và duy trì những thói quen lành mạnh có thể cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ ở trẻ, loại bỏ những tác động tiêu cực đối với sự phát triển chiều cao:

1. Thiết lập một thời gian biểu nhất quán: Thời gian đi ngủ, thức giấc và cả giờ ăn, giờ học cố định là những tín hiệu tốt điều khiển cơ thể một cách hiệu quả, giúp trẻ dễ dàng ngủ khi đến giấc. Và đặc biệt, thói quen này còn giúp trẻ có tác phong chủ động, tự giác ngay từ khi còn nhỏ.

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ ngủ sâu giấc vào 2 thời điểm từ 11 đêm đến 1 giờ sáng và từ 4 giờ đến 5 giờ sáng là điều kiện thuận lợi giúp não bộ sản sinh nhiều hormone tăng trưởng chiều cao nhất. Do đó, cha mẹ nên xây dựng cho trẻ một thời gian biểu đảm bảo những mốc thời điểm vàng này.

2. Loại bỏ những yếu tố gây kích thích: Ti vi, máy tính, các thiết bị điện tử chứa ánh sáng xanh hoặc đồ ăn, thức uống như nước ngọt có ga, cà phê, ca cao, trà, sô cô la đều những chất kích thích, khiến trẻ khó chìm vào giấc ngủ. Thay vào đó, nên để trẻ yên tĩnh, thư giãn bằng cách nghe nhạc không lời, sách nói, truyện đọc hoặc thơ và tốt nhất là nên loại bỏ tất cả các thiết bị khỏi trẻ ít nhất 2 tiếng trước khi ngủ. Ngoài ra, cũng không nên cho trẻ ăn quá no trước, sẽ gây cảm giác ì ạch, đầy bụng, khó tiêu hoặc đi vệ sinh vào ban đêm .

3. Hạn chế cho trẻ hoạt động quá sức trước khi ngủ: trẻ phấn khích, la hét, vui đùa quá sức sẽ khiến trẻ ngủ không sâu giấc, hay giật mình vào ban đêm – đây đều là những dấu hiệu của một giấc ngủ kém chất lượng.

4. Xây dựng môi trường có những điều kiện lý tưởng cho một giấc ngủ chất lượng: nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh,.. đều tác động trực tiếp đến giấc ngủ của trẻ. Nhiệt độ giúp cơ thể thư giãn, ánh sáng có thể báo hiệu giờ đi ngủ, giờ thức giấc, phòng ngủ yên tĩnh, gọn gàng giúp trẻ chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY