Bí kíp giảm cân cho trẻ thừa cân theo độ tuổi

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ trẻ thừa cân hoặc béo phì đang ngày càng gia tăng và trở thành gánh nặng bệnh tật ở nước đang phát triển. Điều này gây nhiều lo lắng cho cha mẹ với câu hỏi làm thế nào để giúp trẻ có được cân nặng hợp lý để trẻ có một sức khỏe tốt nhất trong tương lai.

Trên thực tế, không có con số tuyệt đối nào trên thang đo mà tất cả trẻ em phải đạt được để được khỏe mạnh. Cân nặng lý tưởng sẽ phụ thuộc vào chiều cao, giới tính, độ tuổi và cả chủng tộc của trẻ. Tuy nhiên về mặt nguyên tắc, hầu hết trẻ em không nên giảm cân – trẻ chỉ nên duy trì hoặc tăng cân chậm hơn tốc độ bình thường.

Vậy đâu là cách thích hợp để đạt được điều này? Câu trả lời thường phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ.

Tuổi từ 1 đến 6

Mục tiêu: Trong hầu hết các trường hợp, trẻ thừa cân ở những độ tuổi này nên giữ nguyên cân nặng hoặc tăng với tốc độ chậm hơn tốc độ tăng trưởng chuẩn.

Cha mẹ có thể làm gì:

– Khi trẻ còn rất nhỏ, cha mẹ thường là người định hướng cho các hoạt động của trẻ. Cần đảm bảo rằng một ngày của con có nhiều thời gian – ít nhất là 60 phút – để vận động, không nhất thiết phải vận động liền một lúc mà có thể chia ra thành các hoạt động ngắn trong ngày kéo dài đến một giờ.

– Vào bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ, cung cấp cho con nhiều sự lựa chọn bổ dưỡng với nhiều trái cây và rau xanh thay vì các loại thức ăn nhanh và chế biến sẵn. Các thực phẩm này có xu hướng chứa nhiều calo và chất béo hơn. Thay thế bánh mì trắng, cơm thành ngũ cốc nguyên hạt. Chúng có chất xơ, có thể giúp trẻ cảm thấy no lâu hơn. Nếu ban đầu trẻ không thích những thay đổi này, cha mẹ cũng đừng bỏ cuộc. Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em có nhiều khả năng ăn thứ gì đó hơn sau khi chúng nhìn thấy các thức ăn đó trên đĩa một vài lần.

– Không sử dụng đồ uống có đường. Hãy thay thế các loại nước ngọt, soda, nước trái cây hay trà sữa bằng nước, sữa tách béo hoặc ít béo.

– Khuyến khích thói quen ăn uống tốt. Ba bữa chính và hai bữa phụ mỗi ngày có thể giúp trẻ không bị quá đói, từ đó tránh việc trẻ ăn quá nhiều trong một bữa.

– Hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ. Việc thay đổi chế độ ăn uống của gia đình ngay tức khắc có thể khiến trẻ khó chịu hoặc bối rối. Vì vậy, hãy bắt đầu với một vài thay đổi mỗi tuần, đồng thời, có thể thảo luận với trẻ về những thay đổi mà bạn định thực hiện để trẻ có hứng thú cùng thực hiện và sẵn sàng cho những thay đổi đó.

Tuổi từ 7 đến 10

Mục tiêu: Trong hầu hết các trường hợp, giữ nguyên cân nặng hoặc để trẻ tăng cân với tốc độ chậm hơn.

Cha mẹ có thể làm gì:

Trẻ em ở độ tuổi này đã có những quan điểm ​​của riêng mình, nhưng vẫn cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Khoảng thời gian này chính là lúc cha mẹ có thể cung cấp cho trẻ những công cụ và bài học mà trẻ cần để đưa ra những lựa chọn thực phẩm lành mạnh trong suốt cuộc đời. Vì vậy, cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp như:

– Dự trữ trong tủ lạnh hoặc trong khu bếp của gia đình các loại thực phẩm bổ dưỡng. Do trẻ ở độ tuổi này đã có thể tự ăn vặt, bạn có thể đưa ra những lựa chọn lành mạnh dễ dàng hơn cho trẻ bằng cách loại đồ ăn vặt ra khỏi nhà. Trẻ sẽ dễ dàng đưa ra lựa chọn đúng đắn hơn khi chúng phải lựa chọn giữa một quả táo hoặc chuối thay vì một quả táo hay một túi bánh quy.

– Đặt ra các quy tắc cơ bản cho thời gian xem TV và máy tính. Thời gian trẻ ngồi trước màn hình là thời gian trẻ không hoạt động nhiều. Khi điều đó trở thành thói quen sẽ dẫn đến tăng cân. Do vậy, cha mẹ nên giới hạn một khoảng thời gian nhất định cho trẻ để sử dụng TV, điện thoại thông minh, trò chơi điện tử hoặc máy tính. Khi thời gian sử dụng thiết bị kết thúc, hãy khuyến khích trẻ đứng dậy và vận động. Trẻ em ở độ tuổi này cần thời lượng vận động tương tự như trẻ nhỏ hơn – tổng cộng 60 phút mỗi ngày, nhưng với các lựa chọn đa dạng hơn như xe đạp, đi bơi hoặc chơi bắt bóng hoặc bóng rổ.

– Khuyến khích trẻ cùng vào bếp. Đây là thời điểm thích hợp để dạy trẻ về cách ăn uống lành mạnh. Hãy để trẻ giúp cha mẹ lên thực đơn, đi chợ và nấu các bữa ăn. Rất có thể trẻ sẽ hào hứng hơn với một bữa ăn bổ dưỡng nếu trẻ có tiếng nói trong việc chuẩn bị nó.

– Cả gia đình hãy tham gia cùng trẻ. Các bậc cha mẹ hẳn sẽ không muốn con mình cảm thấy đơn độc vì cân nặng của mình. Bạn cần lưu ý rằng: Con cái sẽ sao chép thói quen của cha mẹ. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn con mình ăn nhiều rau hơn hoặc vận động nhiều hơn, bạn cũng cần phải làm điều đó.

Tuổi từ 11 đến 17

Mục tiêu: Nhiều trẻ em cần duy trì cân nặng như cũ hoặc tăng với tốc độ chậm hơn khi trẻ phát triển chiều cao. Sau tuổi dậy thì, trẻ có thể giảm tới 1 hoặc 2 kg một tuần. Tuy nhiên, không nên tự ý quyết định mức độ cân nặng của trẻ mà nên thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Cha mẹ có thể làm gì:

Đây là giai đoạn dậy thì của trẻ nên sẽ có những nhu cầu riêng đề phát triển thể chất, đồng thời rất nhạy cảm về mặt tâm lý. Trẻ đã có thể tự đưa ra quyết định về sức khỏe của chính mình, nhưng hướng dẫn của cha mẹ vẫn rất quan trọng để giúp trẻ có thể đưa ra những lựa chọn thông minh. Cần lưu ý rằng những nhận xét tiêu cực về cân nặng có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ. Do đó cha mẹ hãy trò chuyện với trẻ một cách cởi mở về sức khỏe và lối sống lành mạnh, thay vì các con số cụ thể về kích thước hoặc cân nặng.

– Duy trì giờ ăn điều độ cùng gia đình. Trẻ ở độ tuổi này thường có lịch học rất bận rộn. Nhưng điều quan trọng là trẻ nên ngồi ăn cơm với gia đình thường xuyên nhất có thể. Một nghiên cứu cho thấy những trẻ ăn với gia đình ít nhất ba lần một tuần có khả năng ăn các thức ăn lành mạnh cao hơn 24% so với những đứa trẻ không ăn.

– Luôn ủng hộ trẻ. Nếu trẻ nói với bạn trẻ muốn gầy đi, cha mẹ phải hiểu động lực của trẻ là gì. Những đứa trẻ khác có bắt nạt hay trêu đùa trẻ về kích thước hay ngoại hình của trẻ không? Có phải trẻ đang cố gắng bắt chước vóc dáng của một người nổi tiếng nào đó không? Đó không phải là những lý do chính đáng để cố gắng giảm cân. Hãy để trẻ hiểu rằng ngoại hình không phải là phần quan trọng – mà vấn đề quan trọng đưa ra những lựa chọn lành mạnh để trẻ có năng lượng để vận động và suy nghĩ, cũng như cho sức khỏe sau này.

Sau đó, bạn có thể nói về những cách cụ thể để hỗ trợ trẻ, chẳng hạn như loại bỏ đồ ăn vặt ra khỏi nhà hoặc lên kế hoạch cho gia đình đi bộ hoặc đạp xe mỗi tối, hay xây dựng một chế độ ăn khoa học theo hướng dẫn của các chuyên gia nếu cần. Một số chương trình giảm cân được thiết kế riêng cho trẻ lớn. Chúng có thể an toàn và hữu ích, nhưng hãy luôn nói chuyện với bác sĩ trước khi trẻ bắt đầu một kế hoạch của riêng mình.

– Khuyến khích trẻ vận động. Giống như trẻ ở các độ tuổi nhỏ hơn, thanh thiếu niên cần một giờ hoạt động thể chất mỗi ngày và có thể chia ra  thành nhiều khung giờ nhỏ. Ở độ tuổi này, trẻ có lẽ không còn thích chạy quanh sân chơi. Cha mẹ có thể giúp trẻ tìm một loại bài tập mà họ yêu thích, chẳng hạn như khiêu vũ, võ thuật hoặc một môn thể thao nhất định.

– Thời gian hoạt động nhiều cũng đồng nghĩa với việc trẻ dành ít thời gian hơn cho trò chơi điện tử hay điện thoại. Hãy động viên trẻ sử dụng các thiết bị này ở mức tối thiểu, mà một trong những cách hay nhất là đặt các thiết bị của chính bạn ra xa và cùng hoạt động với trẻ.

Trong nhiều trường hợp, việc thiết lập chế độ ăn và cân nặng lý tưởng cho trẻ sẽ khiến nhiều cha mẹ băn khoăn. Làm thế nào để biết liệu trẻ có cần phải giảm cân? Hãy tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ dinh dưỡng để có thể giúp bạn đưa ra một kế hoạch an toàn. Tại Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, các chuyên gia đầu ngành sẽ giúp bạn biết cần tập trung vào điều gì để giúp con bạn đạt được cân nặng hợp lý và không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất sau này, bất kể trẻ ở độ tuổi nào.

ThS. BS Đoàn Ngọc Hà

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY