Những loại hạt như đậu lăng, diêm mạch, hạt kê, yến mạch, đậu hà lan, đậu gà, vừng (mè) thường có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như phòng chống các bệnh tim mạch, tốt cho tiêu hóa, phát triển não bộ, bổ sung muối khoáng… Với những tác dụng như vậy thì nhiều mẹ sẽ nghĩ là cho các loại hạt này vào cháo ăn dặm của con sẽ rất tốt. Sự thật có phải như vậy hay không hãy cùng VIAM tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Contents
Hạt dinh dưỡng là gì?
Hiện nay một số loại hạt có nhiều giá trị dinh dưỡng cao đang thu hút sự chú ý của các tín đồ quan tâm đến sức khỏe. Chúng có thể thuộc nhóm ngũ cốc như gạo lứt, yến mạch, diêm mạch (hạt quinoa), hạt kê; hoặc cũng có thể là các hạt có chứa dầu như óc chó, hạt maca, hạt dẻ cười, vừng; hoặc thuộc nhóm đậu đỗ như đậu lăng, đậu gà, đậu hà lan. Mỗi nhóm đều có những giá trị dinh dưỡng riêng biệt và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người.
Tham khảo thêm: Trẻ ăn dặm nên ăn gì?
Chẳng hạn, hạt quinoa hay diêm mạch, trong 100g hạt quinoa cung cấp 120 calo; 4,4g protein; 21,3 g tinh bột; 1,9g chất béo và 2,8g chất xơ, đặc biệt là 72% khối lượng hạt là nước và hạt quinoa còn là một nguồn cung cấp chất khoáng magie, sắt, chất xơ và kẽm.
Các loại hạt chứa dầu như óc chó, maca lại là nguồn cung cấp chất béo tốt, chứa nhiều alpha-linilenic acid hay ALA- một loại chất béo omega 3. Hay như đậu đỗ là nguồn cung cấp protein tốt chỉ sau trứng.
Bên cạnh đó, chúng cung cấp những hợp chất thực vật có giá trị sinh học cao như saponin, quercetin và kaempferol đều là những chất chống oxy hóa – được coi như là một “thần dược” cải thiện mọi vấn đề sức khỏe. Tóm lại đối với người lớn trưởng thành đây là những “siêu thực phẩm” nên sử dụng hàng ngày.
Có nên bổ sung các loại hạt dinh dưỡng vào cháo ăn dặm của trẻ?
Quay trở lại với câu chuyện ăn dặm của trẻ nhỏ, chuyện cho trẻ ăn những “siêu thực phẩm” trên không phải điều xa lạ. Với kinh nghiệm truyền miệng dân gian và khoa học, những thực phẩm trên ngày càng trở nên quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Nếu như trước đây, các bà mẹ thường được khuyên nấu cháo bằng gạo lứt hoặc thêm đậu đỏ, đậu đen, thì nay đã có nhiều loại thực phẩm “du nhập” vào cuộc sống như yến mạch, diêm mạch, đậu lăng, đậu gà… làm tăng tính đa dạng của thực phẩm cho trẻ, nhất là trong giai đoạn trẻ ăn dặm (cũng chính là giai đoạn cho trẻ làm quen với các loại thức ăn). Không thể phủ nhận những thực phẩm trên không chỉ mang lại sự đa dạng trong thực đơn mà còn cung cấp những chất dinh dưỡng khá tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng hoàn hảo.
Ví dụ, trong hạt diêm mạch và đậu đỗ có chứa một hàm lượng không nhỏ acid phytic và oxalate. Acid phytic được cho là làm giảm sự hấp thu các chất khoáng như sắt kẽm, còn oxalate có thể liên kết với canxi làm giảm sự hấp thu canxi vào cơ thể và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận ở những người có cơ địa dễ tạo sỏi. Ngoài ra những thực phẩm trên có hàm lượng chất xơ khá cao. Chất xơ một mặt tốt cho tiêu hóa và làm phân mềm hơn nhưng mặt khác chúng cũng gây cản trở hấp thu các chất khoáng vào cơ thể.
“Trẻ con không phải người lớn thu nhỏ”, điều này đúng ở rất nhiều phương diện. Những đồ ăn tốt cho người lớn nhưng chưa chắc đã tốt cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Có thể rất nhiều bà mẹ đã biết rằng hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ hoàn thiện dần theo từng năm. Khi bước vào giai đọan ăn dặm, chúng chưa có đủ enzyme tiêu hóa, hoạt động co bóp, nhào trộn và tiết dịch vị của dạ dày chưa hoàn chỉnh, vì vậy việc bổ sung những thực phẩm khá “phức tạp” về chất dinh dưỡng có thể là gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Đối với giai đoạn này, việc giới thiệu thức ăn từ lỏng đến đặc, từ đơn chất đến đa chất, từ đơn giản đến phức hợp cần có thời gian nhất định nên việc bổ sung thêm các loại hạt trên là chưa phù hợp trong giai đoạn này. Đặc biệt là đối với trẻ đang biếng ăn, trẻ đang thiếu cân, trẻ suy dinh dưỡng thì lại càng không phù hợp bởi đơn giản trẻ lúc này đang cần một loại thức ăn có đậm độ năng lượng cao, dễ tiêu hóa và dễ hấp thu.
>>>> Tham khảo: Dinh dưỡng cho người mắc bệnh tim mạch
Khi nào nên cho trẻ ăn hạt dinh dưỡng và cách sử dụng thế nào là hợp lý?
Theo chuyên gia dinh dưỡng, tùy vào từng loại thực phẩm và tùy vào độ tuổi cũng như tình trạng dinh dưỡng của trẻ mà mẹ có thể bổ sung vào bữa ăn của trẻ. Ví dụ yến mạch là một loại thực phẩm dễ tiêu hóa hơn, thì các mẹ có thể cho trẻ thử ăn khi trẻ đã quen với việc ăn bột, có thể là trước khi ăn cháo hạt. Với những thực phẩm “nặng đô” hơn như diêm mạch hoặc gạo lứt, đậu đỗ, có thể là đến khi trẻ đã quen với ăn cháo, hoạt động ăn nhai tốt.
Tuy nhiên chúng ta không nên cho trẻ ăn hàng ngày mà có thể thêm từ 1,2 bữa trong một tuần. Các mẹ cũng nên lưu ý là đối với trẻ biếng ăn, trẻ suy dinh dưỡng hoặc trẻ thiếu cân chúng ta không nên nhồi nhét trẻ ăn những “siêu thực phẩm” này mà đợi trẻ đủ cân, ăn tốt trở lại mới nên cho ăn.
>>> Tham khảo: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em theo từng độ tuổi
Tóm lại, tác dụng của các loại hạt là điều không thể phủ nhận. Đối với người lớn, chúng ta có thể coi là “siêu thực phẩm” nhưng đối với trẻ em điều này không hoàn toàn đúng. Vì vậy nếu các mẹ đang cho con mình ăn những thực phẩm này nên cân nhắc việc cho con ăn hàng ngày hay cách ngày hoặc nếu con bạn đang gặp vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, hãy cẩn trọng với việc sử dụng các loại hạt trên.
Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc nhắn tin tới Fanpage.
ThS. BS Đào Ngọc
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM