Tiểu đường thai kỳ – Làm thế nào để ngăn ngừa?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Sự trao đổi chất của phụ nữ thay đổi trong thai kỳ. Điều này có thể khiến lượng đường trong máu tạm thời tăng lên. Nếu đường huyết vượt quá một mức nhất định, phụ nữ mang thai sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Các yếu tố nguy cơ của vấn đề này bao gồm thừa cân, có người thân mắc bệnh tiểu đường và đã từng mắc bệnh tiểu đường trong lần mang thai trước đó.

Một số phụ nữ có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ bằng cách tập thể dục đầy đủ và thay đổi chế độ ăn uống của họ. Tuy nhiên, khi cân nhắc thực hiện các thay đổi này, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Khi nào thay đổi chế độ ăn uống của bạn có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ?

Phụ nữ thường được khuyên có một chế độ ăn uống cân bằng trong khi mang thai để em bé nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này có nghĩa là một chế độ ăn uống đa dạng chứ không phải ăn nhiều cùng một loại thực phẩm. Hầu hết phụ nữ khi mang thai có thể tin vào cảm giác thèm ăn của mình và không cần phải tuân theo một chế độ ăn kiêng đặc biệt nào.

Theo nhiều nghiên cứu, nhóm phụ nữ duy nhất hưởng lợi từ việc thay đổi chế độ ăn uống là những người thừa cân hoặc béo phì. Họ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ bằng cách thay đổi chế độ ăn uống với sự trợ giúp của các chuyên gia dinh dưỡng. Thay đổi chế độ ăn uống có thể làm giảm lượng đường trong máu và giúp họ nhẹ cân hơn trong thai kỳ. Ở những phụ nữ có cân nặng bình thường, việc thay đổi chế độ ăn uống không có tác dụng phòng ngừa.

Nghiên cứu đã chỉ ra đối với những phụ nữ thừa cân (BMI> 25) hoặc béo phì (BMI> 30):

– Nếu họ không thay đổi chế độ ăn, 16 trong số 100 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

– Nếu họ thay đổi chế độ ăn uống, 6 trong số 100 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Tuy nhiên các nghiên cứu này không cung cấp bất kỳ thông tin nào về việc liệu sự thay đổi trong chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến trọng lượng khi sinh của trẻ, giảm nguy cơ biến chứng trong khi sinh hay giúp tránh việc đẻ mổ hay không.

Những thay đổi chế độ ăn uống nào có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ?

Do carbohydrate là nguyên nhân chủ yếu làm tăng lượng đường trong máu, chế độ ăn thường được khuyên nên cắt giảm carbohydrate (“carbs”) trong khi đảm bảo rằng vẫn có đủ chất xơ và nói chung là ăn một chế độ ăn uống cân bằng. Những lời khuyên phổ biến khác bao gồm ăn ba bữa ăn chính không quá lớn và hai đến ba bữa ăn nhỏ mỗi ngày.

Những thay đổi chính xác về chế độ ăn uống sẽ phụ thuộc vào cân nặng như thế nào và tập thể dục bao nhiêu mỗi ngày/tuần. Do đó, nên nhờ các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn trước khi quyết định thay đổi gì trong chế độ ăn. Cần luôn đảm bảo rằng cơ thể được cung cấp đủ calo và một số chất dinh dưỡng nhất định trong thai kỳ. Vì vậy, thực hiện một chế độ ăn kiêng giảm calo khi đang mang thai không phải là một ý kiến ​​hay.

Tăng cân bao nhiêu là ổn khi mang thai?

Phụ nữ tăng cân nhiều trong thai kỳ có nguy cơ cao mắc một số vấn đề sức khỏe và biến chứng trong quá trình sinh nở. Tăng cân nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Có những khuyến nghị chính thức liên quan đến việc phụ nữ mang thai nên tăng bao nhiêu cân là phù hợp. Điều này phụ thuộc vào cân nặng trước đó:

– Đối với phụ nữ nhẹ cân trước khi mang thai (BMI dưới 18,5): nên tăng từ 12,5 đến 18 kg trong thai kỳ.

– Đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai (BMI từ 18,5 đến 24,9): nên tăng từ 11,5 đến 16 kg trong thai kỳ.

– Đối với phụ nữ thừa cân trước khi mang thai (BMI từ 25 đến 29,9): nên tăng từ 7 đến 11,5 kg khi mang thai.

– Đối với phụ nữ béo phì trước khi mang thai (BMI lớn hơn 30): nên tăng từ 5 đến 9 kg trong thai kỳ.

Thực phẩm chức năng có thể giúp gì không?

Một số thực phẩm bổ sung được cho là có tác dụng giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu hiện còn nhiều hạn chế và chưa đưa ra được khuyến nghị nào rõ ràng. Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm chức năng có chứa myo-inositol có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Có thể giải thích cho tác dụng tiềm năng này là do myo-inositol có thể giúp insulin hoạt động tốt hơn, nhưng không rõ liệu việc bổ sung myo-inositol có thể làm giảm nguy cơ của các hậu quả có thể có của bệnh tiểu đường thai kỳ, chẳng hạn như các biến chứng trong khi sinh hay không. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Nhưng việc bổ sung vitamin D có tác dụng phòng ngừa hay không chưa được kết luận chắc chắn. Một số chất bổ sung trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như axit béo omega 3 (dầu cá), đôi khi được cho là giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ. Nhưng khi axit béo omega 3 được thử nghiệm trong các nghiên cứu, không có tác dụng phòng ngừa nào được tìm thấy. Hiện còn thiếu các nghiên cứu về việc sử dụng chế phẩm sinh học trong lĩnh vực này.

Tập thể dục nhiều hơn liệu có giúp giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ không?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tiểu đường thai kỳ ít phổ biến hơn ở những phụ nữ tập thể dục nhiều hơn – bất kể họ thừa cân hay có cân nặng bình thường.

Các nghiên cứu về phụ nữ mang thai có cân nặng bình thường cho thấy những điều sau:

– 5 trong số 100 phụ nữ không tập thể dục nhiều được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, so với 3 trong số 100 phụ nữ tập thể dục nhiều hơn.

– Tập thể dục nhiều hơn không làm tăng nguy cơ sinh non. Việc tập thể dục ba đến bốn ngày mỗi tuần với các bài tập gắng sức trong khoảng  30 phút có thể giảm lượng đường trong máu. Các loại hình thể dục phù hợp có thể là bơi lội, đạp xe và đi bộ nhanh. Tuy nhiên, những phụ nữ có nguy cơ sinh non cao hơn thường nên tránh hoàn toàn các môn thể thao.

Thuốc có cải thiện được vấn đề không?

Metformin là thuốc thường được dùng để làm giảm lượng đường trong máu, bào chế ở dạng viên nén hoặc dung dịch. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy metformin không có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc các biến chứng trong quá trình sinh nở mà ngược lại, có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy. Do đó, metformin không được khuyến nghị sử dụng để phòng ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ.

ThS. BS Đoàn Ngọc Hà – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo NCBI



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY