Trẻ thừa cân béo phì có cần thêm dầu mỡ vào bữa ăn?

05/04/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Thừa cân – béo phì đang trở thành vấn nạn sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Mặc dù chất béo là 1 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng lượng mỡ dư thừa lại gây nhiều tác hại nghiêm trọng. Vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo như thế nào về việc tiêu thụ chất béo với trẻ em thừa cân – béo phì?

Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ trẻ em bị thừa cân và béo phì đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1975. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho trẻ

Vai trò của chất béo với sức khỏe

Chất béo đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, vì chúng cung cấp các axit béo thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp. Các axit béo thiết yếu này đóng vai trò then chốt trong nhiều quá trình sinh lý của cơ thể. Ngoài ra, chất béo còn thúc đẩy quá trình hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K. Những vitamin này chỉ có thể được hấp thụ khi có sự hiện diện của chất béo.

Khi lượng chất béo tiêu thụ vượt quá nhu cầu sử dụng và chuyển hóa năng lượng của tế bào, phần dư thừa sẽ được tích tụ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ. Quá trình tương tự cũng xảy ra đối với carbohydrate và protein không được sử dụng, chúng sẽ được chuyển hóa và tích tụ dưới dạng mỡ trong cơ thể.

Chất béo đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì một số lý do sau:

  • Nguồn năng lượng dồi dào: Chất béo cung cấp năng lượng cao nhất trong số các chất dinh dưỡng đa lượng, với 1g chất béo tương đương 9kcal, gấp đôi so với protein và carbohydrate (khoảng 4kcal/g). Điều này rất cần thiết cho trẻ nhỏ để đáp ứng nhu cầu năng lượng cao cho quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường.
  • Cấu trúc tế bào và phát triển: Chất béo là thành phần cấu trúc quan trọng của nhiều tế bào trong cơ thể, đặc biệt là não (khoảng 60% não là chất béo). Các axit béo khác nhau đóng vai trò thiết yếu trong nhiều quá trình sinh học liên quan đến tăng trưởng, phát triển và hoạt động bình thường của cơ thể.
  • Hấp thụ vitamin tan trong chất béo: Một số vitamin như A, D, E và K chỉ tan trong chất béo, do đó chúng sẽ được hấp thụ hiệu quả hơn khi tiêu thụ cùng với chất béo trong chế độ ăn uống. Việc bổ sung nguồn chất béo lành mạnh giúp đảm bảo các vitamin này được sử dụng đúng cách bởi cơ thể.
  • Cung cấp axit béo thiết yếu: Cơ thể không thể tự tổng hợp một số axit béo không bão hòa đa như axit linoleic (LA) và axit alpha-linolenenic (ALA), nên chúng phải được cung cấp từ chế độ ăn uống. Những axit béo thiết yếu này đóng vai trò quan trọng trong các quá trình sinh lý như đông máu, chữa lành vết thương và kiểm soát quá trình viêm.

Có 2 loại chất béo chính được tìm thấy trong thực phẩm là chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa. Chế độ ăn của trẻ nên cố gắng cắt giảm các loại thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo bão hòa, thay vào đó là tăng cường nguồn chất béo không bão hòa. Có 2 loại chất béo không bão hòa đa chính: omega-3 và omega-6.

Hầu hết mọi người đều nhận đủ omega-6 trong chế độ ăn uống của mình, nhưng nên bổ sung thêm omega-3 bằng cách ăn ít nhất 2 phần cá mỗi tuần.

Trẻ em thừa cân – béo phì bổ sung dầu/mỡ vào chế độ ăn như thế nào?

Chất béo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, vì vậy không nên hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn của trẻ. Không hạn chế chất béo ở trẻ dưới 1 tuổi. Đối với trẻ trên 2 tuổi, hãy cố gắng hạn chế chất béo bão hòa ở mức dưới 10% trong khẩu phần ăn.

Ăn đúng loại và đúng lượng chất béo là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng nhiều trẻ ăn quá nhiều chất béo, điều này có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn. Những đứa trẻ thừa cân – béo phì có nguy cơ bị tăng cholesterol, tăng huyết áp, tiểu đường và các vấn đề y tế khác.

Dưới đây là một số hướng dẫn về bổ sung dầu/mỡ đúng cách vào chế độ ăn của trẻ:

  • Cho trẻ ăn các loại thực phẩm có ít chất béo tự nhiên, chẳng hạn như trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và cá, các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Chọn chất béo không bão hòa khi nấu ăn cho trẻ và giảm lượng sử dụng (dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu mè…, hạn chế dùng mỡ động vật)
  • Với thịt gia cầm và gia súc, nên loại bỏ hoàn toàn phần mỡ và da, ưu tiên ăn cá và hải sản giàu omega-3, đồng thời ưu tiên các lựa chọn thực vật khác như đậu phụ…
  • Khi nấu ăn, cha mẹ hãy chọn phương pháp luộc, hấp, nướng (quay) hoặc chiên không dầu (sử dụng nồi chiên không dầu). Những phương pháp này cho phép chất béo chảy ra trong khi nấu ăn, đồng thời không bổ sung thêm chất béo từ dầu/mỡ, điều này giúp hạn chế tăng thêm calo.
  • Nếu xào, rán, cho ít dầu mỡ hơn đối với trẻ bình thường, hạn chế ăn đồ ăn nhanh.

Cách tốt nhất để dạy trẻ thói quen ăn uống lành mạnh là chính bạn hãy làm gương tốt. Để có lối sống lành mạnh, hãy tạo thói quen ăn uống hợp lý, chọn nhiều loại thực phẩm bao gồm chất béo lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hà Linh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY