Giảm cân cho trẻ em thừa cân – béo phì

22/10/2023 -  Kiến thức dinh dưỡng

Ngày nay, cứ 5 trẻ từ 6–19 tuổi thì có 1 người béo phì. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng gấp 3 lần trong 40 năm qua. Trẻ em bị béo phì phải đối mặt với một loạt các vấn đề sức khỏe. Đó là lý do tại sao việc học cách giảm cân cho trẻ lại rất quan trọng.

Thừa cân trở thành vấn nạn đại dịch trên toàn cầu

Có nhiều lý do dẫn đến sự gia tăng béo phì ở trẻ em, như yếu tố môi trường, thói quen ăn uống, sở thích và văn hóa. Mặc dù ăn nhiều chất béo và dư thừa năng lượng được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra béo phì, nhưng lượng đường cao trong nước ngọt, khẩu phần ăn lớn hơn và giảm hoạt động thể chất là những yếu tố chính góp phần gây béo phì.

Những đứa trẻ bị béo phì có nhiều khả năng bị thừa cân hoặc béo phì khi trưởng thành, là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác. Trên thực tế, bệnh tiểu đường loại 2, trước đây hầu như không xảy ra ở trẻ em, hiện đang được chẩn đoán ở mức đáng báo động. Trẻ béo phì cũng có nhiều khả năng bị tăng huyết áp và cholesterol cao, các vấn đề về khớp, bệnh gan nhiễm mỡ và ợ nóng.

Trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống cũng phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi béo phì. Và những đứa trẻ béo phì có nhiều khả năng bị bắt nạt hơn so với những đứa trẻ cùng lứa có cân nặng trung bình, bất kể kỹ năng xã hội của chúng tốt đến đâu.

10 lời khuyên về cách giảm cân cho trẻ

Cha mẹ là công cụ số 1 chống lại tình trạng trẻ thừa cân, béo phì. Hãy làm theo 10 lời khuyên sau để giảm cân cho trẻ.

1. Xây dựng thói quen lựa chọn thực phẩm phù hợp

Thực phẩm chứ không phải tập thể dục mới là chìa khóa để giảm cân. Một số chế độ ăn kiêng có thể giúp giảm cân và thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn Địa Trung Hải, ưu tiên trái cây, rau, chất béo lành mạnh như dầu ô liu, cá và ngũ cốc nguyên hạt có thể là một khởi đầu tuyệt vời. Chế độ ăn Địa Trung Hải cũng giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến béo phì như tiểu đường loại 2 và các biến chứng chuyển hóa.

2. Nói lời tạm biệt với thực phẩm chế biến sẵn và đường bổ sung

Bạn nên loại bỏ carbohydrate tinh chế khỏi chế độ ăn của con, vì đây là những calo rỗng không có giá trị dinh dưỡng. Một số thực phẩm được cho là tốt cho sức khỏe nhưng có chứa đầy đường bổ sung bao gồm sữa chua (có hương vị), bánh quy, bánh ngọt ít béo… Tốt nhất là nên tự làm những món ăn tốt cho sức khỏe. Bằng cách đó, bạn có thể kiểm soát những gì đang diễn ra trong cơ thể của con.

3. Nấu ăn tại nhà

Đây có thể là một thách thức đối với các cha mẹ bận rộn, bạn có thể cảm thấy như không còn thời gian để nấu nướng. Nhưng đây là một trong những cách tốt nhất để giúp con bạn giảm cân. Bằng việc tự nấu nướng, bạn có thể lựa chọn những thực phẩm lành mạnh, nấu ăn hạn chế dầu mỡ, gia vị và tạo 1 khẩu phần ăn vừa phải cho bé.

4. Hãy vận động

Nếu con bạn thích thể thao, việc đăng ký cho con 1 lớp thể thao sau giờ học là cách dễ dàng để con bạn vận động. Cùng vận động với con là một cách tuyệt vời để khuyến khích hoạt động thể chất và dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Bạn có thể cùng con đi dạo, chạy bộ, tập yoga trên YouTube hoặc đến hồ bơi ở gần nhà.

5. Để trẻ ngừng ăn khi đã no

Nhiều người trong chúng ta lớn lên trong thời kỳ mà chúng ta buộc phải ăn hết mọi thứ trên đĩa của mình, cho dù đã no hay không. Nhưng ngay cả trẻ sơ sinh cũng từ chối sữa khi chúng đã no. Tương tự, nếu con bạn nói rằng đã no, đừng ép bé ăn nhiều hơn.

6. Cho trẻ vào bếp

Trẻ em có nhiều khả năng sẽ ăn thứ gì đó hơn nếu trẻ được tự tay làm ra chúng. Hãy để con bạn rửa hoặc thái rau, hoặc làm các công việc nấu nướng cơ bản như luộc rau hay đun sôi nước.

7. Giới thiệu món ăn mới nhiều lần

Phải mất khá nhiều nỗ lực để khẩu vị của chúng ta thích nghi với các loại thực phẩm mới. Vì vậy, khi bạn giới thiệu một thành phần mới, như cải xoăn hoặc quinoa, đừng nản lòng nếu con bạn không thích nó ngay lập tức. Nếu con không thích, đừng ép chúng ăn, hãy nấu lại món đó vào những lần sau. Cuối cùng, trẻ có thể thích những món ăn này.

8. Không cấm đoán trẻ

Bạn sẽ không thể kiểm soát mọi thứ con ăn. Sẽ có những chuyến thăm nhà bạn bè, tiệc sinh nhật và các sự kiện sau giờ học, đặc biệt khi trẻ lớn lên. Không coi bất kỳ thực phẩm nào là tệ hại và cần tránh 100%. Bạn không muốn trẻ cảm thấy tội lỗi hoặc như thể chúng đã thất bại nếu thỉnh thoảng chúng ăn bánh quy. Thay vào đó, hiểu rằng một số loại thực phẩm dành cho những dịp đặc biệt sẽ giúp con có tâm lý thoải mái.

9. Chú ý đến khẩu phần ăn

Có những khuyến nghị lượng thức ăn mỗi ngày cho trẻ. Tất nhiên, nhu cầu của trẻ sẽ khác nhau tùy theo hoạt động thể chất, giới tính,…Hãy bắt đầu bằng việc phục vụ một khẩu phần nhỏ hơn. Nếu trẻ vẫn đói, chúng có thể ăn khẩu phần thứ hai thay vì bắt đầu với hai khẩu phần ăn.

10. Cha mẹ cùng giảm cân với trẻ

Không có gì đáng xấu hổ hơn việc cấm túc một đứa trẻ ăn khi những thành viên khác trong gia đình vẫn ăn bình thường. Vì vậy, hãy biến việc giảm cân và ăn uống lành mạnh thành điều mà cả gia đình đang làm vì sức khỏe của mọi người. Hãy loại bỏ những thực phẩm hấp dẫn ra khỏi nhà. Hãy biến việc ăn uống lành mạnh trở thành một việc bình thường trong gia đình và trẻ em sẽ làm theo!

Việc quản lý cân nặng ở trẻ em đòi hỏi sự cẩn trọng để đảm bảo rằng họ đang phát triển một cách khỏe mạnh. Đầu tiên và quan trọng nhất, trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình giảm cân nào cho trẻ, bạn nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo rằng phương pháp này là an toàn và thích hợp cho sức khỏe của trẻ.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hoàng Hà Linh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY